Nguyễn Xuân Chánh: Làng Phú Lễ – như tôi được biết (phần 1)

Trong nhà chỉ có tôi sinh ra ở chính làng quê Phú Lễ, vì vậy cha mẹ mới đặt tên là Chánh. Nhưng mới hơn  hai tuổi tôi đã xa làng đến tận Thanh Hoá, nơi cha tôi chuyển ra làm việc. Năm lên bốn tuổi, cha tôi mất, gia đình lại chuyển về sống ở làng quê

 

Tôi bắt đầu đi học ở trường làng rồi học sơ học yếu lược ở trường huyện Quảng điền, lúc đó huyện lỵ còn đóng ở Hạ lang gần bờ sông Bồ. Năm 1945 tôi thi đỗ vào học đệ nhất niên ở trường Quốc học Huế, năm học đầu tiên của trường sau Cách mạng Tháng Tám. Học hết năm thứ nhất, do hoàn cảnh gia đình phải từ Phú Lễ sang Huế ở trọ đi học tốn kém, tôi chuyển vào Quảng Ngãi, ở nhà bà ngoại đi học trường Lê Khiết. Kháng chiến bùng nổ, từ cuối năm 1946 trở đi tôi không thể trở về làng quê Phú Lễ được nữa. Mãi đến 1975 khi đất nước đã thống nhất, tôi lúc đó đã có gia đình và công tác ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi mới được về thăm lại làng quê. Từ đây tôi nhiều lần về làng Phú Lễ như một người con của làng đi xa về thăm cố hương.

Kể ra hơi dài dòng một chút để thấy rằng tôi quê ở làng Phú Lễ nhưng ở tại quê không lâu, khoảng mươi năm, thời niên thiếu. Nhưng tôi luôn luôn muốn tìm hiểu, muốn ghi lại để nhớ những chuyện liên quan đến quê nhà. Không được đào tạo về văn sử, tôi chỉ mộc mạc ghi ra đây những điều tôi được biết về làng Phú Lễ.

Ngày nay đi từ Huế ra phía Bắc theo đường quốc lộ cỡ 18 cây số, qua cầu An Lỗ, rẽ phải theo đường xuống Sịa cỡ hơn cây số là đến làng Phú Lễ. Theo cách gọi cũ là làng chứ không phải là thôn thì làng Phú Lễ phía tây bắc giáp làng An Lỗ và Hiền Lương, phía tây nam là sông Bồ, phía đông nam giáp làng Hà Cảng, phía đông bắc giáp làng Cổ Tháp và Đồng Bào. Phú Lễ là tên mới của làng kể từ thời vua Minh Mạng, trước đó tên làng là Bái Đáp. Làng Bái Đáp thành lập từ năm nào hiện nay chưa biết được chính xác. Theo các tài liệu về khai canh lập ấp ở Quảng Điền thì có thể làng được thành lập từ năm 1471 ngay sau khi vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh vào tận kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành, chấm dứt mối đe doạ xâm lấn Hoá Châu của quân Chiêm Thành. Đó là lúc nhiều quan quân nam chinh trở về đem gia đình và bà con từ các vùng quê phía Bắc, đa số là Thanh Hoá và Nghệ An vào khai khẩn đất hoang và các vùng đất bị tàn phá, lập nên làng ấp mới. Vào thời xưa đó làng Bái Đáp thuộc huyện Đan Điền phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa, con sông Bồ thời đó cũng có tên là sông Đan Điền. Trong sách Ô Châu Cận Lục của tiến sỹ Dương Văn An viết xong vào năm 1555 có nói đến làng Bái Đáp với câu tán tụng
Phong tục Bái Đáp chuộng lễ
(Bái Đáp chi phong thượng lễ)

Khi Nguyễn Hoàng vào khai khẩn trấn Thuận Hóa năm 1558, huyện Đan Điền đổi thành huyện Quảng Điền. Thời Gia Long 1802, huyện Quảng Điền được ghép vào dinh Quảng Đức là đất kinh kỳ. Năm 1822 vua Minh Mạng đổi dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên. Quảng Điền trở thành một huyện của phủ Thừa Thiên ở phía bắc của kinh đô. Vào khoảng 1821 đến 1830 theo việc dâng sớ xin đổi tên làng của ngài Trương Văn Uyển, làng Bái Đáp được đổi tên là làng Phú Lễ thuộc tổng Hạ Lang huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên. Qua rất nhiều thay đổi từ sau Cách mạng 1945 chuyển làng thành thôn lập ra đơn vị xã, huyện, tách, ghép xã huyện tỉnh… làng Phú Lễ xưa trở thành thôn Phú Lễ thuộc xã Quảng Phú huyện Quảng Điển tỉnh Thừa Thiên. Tuy nhiên trong dân gian nhất là đối với những người lớn tuổi vẫn quen gọi là làng Phú Lễ huyện Quảng Điền.

Còn sông Bồ có ảnh hưởng to lớn đến làng Phú Lễ. Từ thượng nguồn, nơi có nhiều cây Thạch Xương Bồ, con sông chảy đến gần làng Phú Lễ thì đổi hướng gần như vuông góc rồi thì đoạn thẳng đoạn ngoằn ngèo chảy đến Hóa Châu nhập vào sông Hương ở Ngã ba Sình để đổ vào phá Tam Giang. Không rõ ngày xưa ở thế kỷ 15 khi Hồ Hán Thương con của Hồ Quý Ly cho sửa con đường Thiên Lý từ Tây Đô Thanh Hóa đến Hóa Châu, con đường đó có đi qua gần làng Phú Lễ (Bái Đáp) hay không nhưng đến thời Nguyễn Du, con đường quan đi vào Huế qua sông Bồ ở Hương Cần không xa làng Phú Lễ là mấy. Hai câu thơ đầu trong bài thơ Đường luật “Tiễn Bạn” của Nguyễn Du đã nói rõ.

Hương Cần quan lộ liễu thanh thanh

Giang bắc giang nam vô hạn tình

Làng Hương Cần bên đường cái quan có liễu xanh xanh mà Nguyễn Du nói đến cũng chính là làng có loại quýt ngon đặc biệt ở thơ Tố Hữu:
Mà quýt Hương Cần ta vẫn ngọt

Cũng nói về Nguyễn Du không hiểu tại sao khi quan Tham Tri mất ở Huế lại đưa ra an táng ở Bồ Điền một làng nhỏ cách làng Phú Lễ cỡ một cây số. Khi thăm mộ cụ Nguyễn Du ở Tiên Điền Nghi Xuân  Hà Tĩnh ta thấy có ghi rõ là mộ cụ được cải táng từ Bồ Điền.

Chắc chắn là vùng đất dọc sông Bồ, trên và dưới làng Phú Lễ đầu đời các chúa Nguyễn là một vùng đất kinh tế và văn hóa phát triển vào bậc nhất. Nguyễn Hoàng lúc mới vào Nam đã chọn ái Tử ở Quảng Trị làm thủ phủ. Nhưng không lâu sau đấy chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã chọn Phước Yên làm thủ phủ (1626 – 1635) và Chúa Nguyễn Phúc Chu đã chọn Bác Vọng làm thủ phủ (1712 – 1738), cả hai thủ phủ đều không xa làng Phú Lễ, đều lấy sông Bồ làm mặt tiền. Về sau phủ chúa ở Kim Long và Phú Xuân bên bờ sông Hương nhưng các vùng dọc sông Bồ vẫn còn in đậm truyền thống kinh tế, văn hoá. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tác giả Lục Vân Tiên, người đã đưa ra tuyên ngôn về văn học:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

là người gốc gác cha mẹ ở Bồ Điền vào Nam lập nghiệp. Tướng quân Nguyễn Văn Thành văn võ song toàn, cánh tay phải của vua Gia Long, người đã soạn ra bài “Văn tế trận vong chiến sĩ” là người tổ tiên ở Bác Vọng. Sử sách còn chép rằng “khi tiền quân Nguyễn Văn Thành đọc bài văn tế trên, chung quanh đài lễ mây mù khói nổi vang vọng tiếng gươm dao chát chúa và tiếng ngựa hí cuồng. Trên không trung từng luồng gió rít ngang nghe mơ hồ tiếng than vãn nhớ thương lẫn tiếng chân người rầm rập đi qua…” Ông cũng là người khoảng năm 1804 – 1805 lãnh mệnh triều đình đứng ra coi việc xây dựng lại Bắc Thành, tu bổ Văn Miếu Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các.

Phú Lễ, một làng cũng ở trung lưu sông Bồ chắc là cũng có nhiều danh nhân văn hóa. Từ nhỏ, do ở cuối làng gần hai nhà thờ họ Trương Văn và Nguyễn Xuân tôi thường nghe người lớn nói kính cẩn, tôn sùng hai vị quan là Trương Văn Uyển và Nguyễn Xuân Triêm. Sau này tìm hiểu tôi mới biết thêm ít nhiều về tiểu sử.

(Xem tiếp phần 2)