Giới thiệu Làng Phú Lễ

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Vị trí: Bắc : 16 độ 32      Đông: 107 độ 28

Nếu đi trên quốc lộ 1 từ Nam ra Bắc có 2 cách để đến làng Phú lễ đó là: Từ nam đi qua khỏi thành phố Huế, theo quốc lộ đến km thứ 17, rẻ phải để qua Cầu Tứ Phú, bên kia cầu Tứ Phú là thôn Hạ lang, đi ngược dòng sông bồ theo đường làng bên sông (Hạ lang, Hà cảng, Phú lễ) khỏang 2km sẽ đến làng Phú lễ. Hoặc đi trên quốc lộ 1A từ Nam ra, qua khỏi cầu An lỗ, rẻ phải hướng về Sịa, đi được 1km thì đó là đầu làng Phú lễ.
Làng Phú Lễ như một rẻo đất hình thang, bắc giáp làng An Lỗ, Đông bắc giáp Hiền Lương, Cổ Tháp, phía đông giáp làng Lai Xá, Đông nam giáp làng Đồng bào, phía nam giáp làng Hạ Cảng, riêng hướng tây nam là sông Bồ. Vì vị thế là một vùng đồng bằng lúa nằm sát cạnh con sông trong xanh thơ mộng.

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Cây Kim can trước đình hơn 200 năm tuổi: Ảnh chụp 12.2011

Ở trung lưu bờ Bắc sông Bồ có một làng quê lắm thăng trầm nhưng cũng đầy trầm tích văn hoá. Có thể nói đó là làng sản sinh những lứa học trò trong nhà trường cách mạng đầu tiên trên đất Bắc và sớm trở thành những giáo sư đầu ngành trên một số ngành khoa học trong nước. Đó là một làng giàu lễ nghĩa như cái tên mới đổi từ thời Minh Mạng: làng Phú Lễ. Ngày nay không còn có những tư liệu chữ Hán nói về thời điểm thành lập làng này. Người đời sau chỉ còn suy luận dựa vào số đời trong các dòng họ chính và mối quan hệ với các làng xung quanh để phỏng định thời gian. Đó là khoảng cuối thế kỷ XV, liền sau trận đại thắng khi bình định phương Nam của đại quân nhà Lê do vua Lê Thánh Tông trực tiếp lãnh đạo. Lúc ấy, làng lấy tên là Bái Đáp. Không rõ danh xưng ấy có duyên cớ nào và ý nghĩa gì. Nhưng theo từ Hán Việt, thì bái là lạy, vái; đáp là: đền đáp, đáp lại. Hiểu một cách nôm na thì có nghĩa là lạy trả, lạy đền đáp. Ít nhất là đến năm 1555, tên làng này đã được ghi trong sách ” Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An. Tác giả này cũng đã suy đoán theo tên làng để tán tụng một câu: “Phong tục Bái Đáp chuộng lễ, thói làng Dũng Quyết thích cương” (Bái Đáp chi phong thượng lễ; Dũng Quyết chi tục háo cương). Từ cơ ngơi ban đầu, cho đến đời Gia Long, trong địa bạ năm 1814, làng Bái Đáp đã có tổng diện tích là 709 mẫu 3 sào 10 thước 7 tấc. Phân theo loại hình ruộng đất (và lấy số tròn) thì có:
– Công điền: 298 mẫu
– Quan điền: 3 mẫu
– Tư điền: 9 mẫu
– Công thổ: 126 mẫu
– Quan thổ: 1 mẫu
– Tư thổ: 3 mẫu
– Mộ địa: 10 mẫu Và đất hoang cát trắng:
257 mẫu Cũng theo địa bạ của triều Nguyễn, còn có một phường khách hộ Bái Đáp thuộc huyện Phú Vang thời ấy, với tứ cận như sau: Đông giáp sách Thủy Cam khách hộ, Tây giáp sách Thuỷ Cam khách hộ, Nam giáp chân núi, Băc giáp sông. Tổng diện tích phường này theo địa bộ trên gồm 25 mẫu 8 sào. Trong đó tư điền hơn 11 mẫu, tư thổ 4 mẫu 6, mộ địa 4 sào, còn lại 9 mẫu đất hoang gò đồi. Đến sách Địa dư chí thời Đồng Khánh (1886) đã ghi là ấp Bái Đáp, đến đời Bảo Đại đã dùng khái niệm xã Bái Đáp. Tuy nhiên, từ sau giải phóng, trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc đã không còn có tên Bái Đáp mà chỉ có 9 thôn: An Bằng, Nam Phước, Phú Cường, Phước Hưng, Phú Xuyên, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Hạ, Thuỷ Cam và Thủy Yên thôn. Như vậy phải chăng vào cuối thế kỷ XVIII, làng Bái Đáp tổng Hạ Lang huyện Quảng Điền đã có thêm một nhóm cư dân mới nhập, được tách ra thành lập một phường khách hộ tại vùng đất lân cận thôn Thủy Cam xã Lộc Thủy huyện Phú Lộc ngày nay. Nhóm cư dân ấy từ đâu đến mà lại lấy theo tên làng chính, và hiện nay khi tên thôn Bái Đáp không còn nữa thì cư dân thôn ấy đang sống tại thôn nào của xã Lộc Thuỷ. Đó cũng là một vấn đề cần quan tâm. Trở lại làng chính, vào đời Minh Mạng, khi một con dân làng đỗ cử nhân năm 1821, đã được bổ làm quan, thăng dần lên đến Án Sát Quảng Nam, về sau làm đến Bố Chánh Định Tường, Vĩnh Long, đã xin vua cho đổi tên làng là Phú Lễ. Năm 1836, ông đã góp tiền bổng để tu bổ đình, chùa. Năm 1840 lại giúp xây cầu đá. Đến năm 1848 lại đúc chuông cúng cho chùa làng. Chắc hẳn vào các thời chúa Nguyễn và Tây Sơn, trong làng cũng có một số quan chức. Nhưng nổi tiếng, được lưu truyền là các vị thành đạt vào đời Nguyễn, như cai đội Mỹ Triều hầu Trần Bá Cơ, Tả quân đô uý dinh Thần Cơ đời Tự Đức là Trần Bá Nam, và Thượng thư Nguyễn Xuân Triêm cũng đời Tự Đức. Ngược dòng lịch sử, vào cuối năm 1774 khi quân Trịnh tiến đánh Phú Xuân, đã vượt qua sông Bồ trên địa bàn làng này (và cả một số làng khác lân cận) đã làm dân làng hoảng sợ. Năm 1788 khi Nguyễn Huệ lên ngôi, đốc xuất đại quân tiến ra Bắc giải phóng Thăng Long, hẵn đã có hàng chục hay hàng trăm trai tráng trong làng tòng chinh, làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước. Năm 1802 Gia Long chiếm lại Huế, hẵn cũng có không ít quan chức làng này kinh hãi. Năm 1885, khi đội quân thủ túc của Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành, qua bến đò Hạ Lang rồi theo tuyến đường thiên lý ngang qua làng Phú Lễ để ra Tân Sở, hẵn là dân làng đã hoang mang cao độ trước biến động của lịch sử. Một làng nhỏ đã biết bao thăng trầm theo vận nước.

Đình Làng cũ

Cây Ngô Đồng gần Miếu Cô Đàn

Ruộng lúa

Sông Bồ