Nguyễn Xuân Chánh: Làng Phú Lễ – như tôi được biết (phần 2)

Tổng đốc Trương Văn Uyển đỗ cử nhân năm 1821 đã được bổ làm quan nhiều nơi: án sát Quảng Nam, Bố chính Quảng Ngãi, Tổng đốc Định Tường và Vĩnh Long, tuần phủ Bắc Ninh, Tổng đốc Ninh Thái. Thời gian ông làm Tổng đốc Định Tường – Vĩnh Long là thời gian Pháp đánh chiếm các tỉnh miền đông Nam bộ còn triều đình vua Tự Đức bạc nhược lo mất ngai vàng không quyết tâm chống giặc.

Có người nói đó là do lực lượng quân Pháp quá mạnh, có người nói đó chính là do triều đình Tự Đức sợ không dám đánh giặc. Nhân dân vùng Định Trường – Vĩnh Long rất tôn sùng tổng đốc Trương Văn Uyển, ở Văn thánh miễu Vĩnh long mà người chủ xướng xây dựng là cụ Phan Thanh Giản và đốc học Nguyễn Thông có nơi thờ các vị quan cựu trào ở Vĩnh Long trong đó có  Tổng đốc Trương Văn Uyển. Văn miếu cách thị xã Vĩnh Long 2km, xây dựng từ 1864 đến 1866 nay vẫn còn nguyên vẹn.

Chính tổng đốc Trương Văn Uyển là người dâng sớ xin vua Minh Mạng cho đổi tên làng Bái Đáp thành làng Phú Lễ.

Năm 1836 ông đã góp tiền bổng để tu bổ đình chùa làng, năm 1840 giúp xây cầu đá ở giữa làng đến năm 1848 lại đúc chuông cúng cho chùa làng. Bài ký trên chuông do chính  tổng đốc Trương Văn Uyển soạn là một áng văn hay, mở đầu là quan niệm: “Làng vốn có chùa từ xa xưa, nhưng chùa thì phải có chuông bởi chuông là ngôn động. Nhờ tiếng chuông  mà tuyên dương pháp hưởng, cảnh tỉnh nhân tâm. Chùa thiếu chuông thì lấy gì để phát  động dân lành…”

Cuối bài ký là bài minh:

Vòi vọi chùa xưa

Gây nên quả phước

Non cao, chót vót

Vang chưa từng nghỉ

Lồng lộng cửa thiền

Cảnh tỉnh nhân tâm

Nhuần được cõi người.

Cuối cùng là những dòng: Giờ tốt ngày 20 tháng 7 năm Tự Đức thứ nhất Bắc Ninh tuần phủ, Hộ lý Ninh Thái Tổng Đốc Quan phòng Trương Văn Uyển phụng tạo.

………….

Cuối làng Phú Lễ, gần giáp với làng Hà Cảng có nhà thờ họ Nguyễn Xuân nhỏ nhắn mới tu sửa lại gần đây với câu đối viết theo kiểu thư pháp chữ Việt.

Dòng sông Bồ muôn đời thanh khiết

Họ Nguyễn Xuân vạn thuở hiếu trung

Thời phong kiến trong họ này có một nhà khoa bảng sau ra làm quan cũng khá danh tiếng. Đó là ông Nguyễn Xuân Triêm sinh năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) năm 21 tuổi đỗ Tú tài, năm 27 tuổi đỗ cử nhân mới  đầu giữ các chức vụ Tư Vụ rồi Chủ sự Bộ Lễ. Trải qua bao thăng trầm ở cuối đời vua Tự Đức, sang thời Tứ nguyệt Tam vương, đúng vào năm Kiến Phúc nguyên niên ông làm Thương biện Quân Vụ Sơn phòng ở Quảng Ngãi, đến năm 1893 làm án sát Thanh Hóa. Hiện nay trên vách núi ở một thắng cảnh tỉnh Thanh còn lưu bút tích trên đá của Nguyễn Xuân  Triêm. Đã có thời ông làm án sát Hà Tĩnh. Có lẽ đây là giai đoạn rất khó khăn của một vị quan Nam triều vì căn cứ địa của nghĩa quân Phan đình Phùng là ở Hương Sơn.

Về sau ông về kinh làm Thị lang Bộ Lễ, tham gia tổ chức đám tang bà Từ Dũ. Cuối cùng ông được điều về làm Tuần Vũ tỉnh Quảng Ngãi lúc phong trào chống thuế năm 1905 đang dâng cao. Ông mất năm 1909 tại Quảng Ngãi.

Là một nhà khoa bảng có tài nhưng ra làm quan vào thời vua chúa bất lực, thực dân Pháp đè nén nên đối với ngài Nguyễn Xuân Triêm lòng trung quân không dễ đi đôi với lòng ái quốc. Ông đã hiến một con ngựa bạch bằng gỗ cho chùa Phú Lễ, hiện nay ở vị trí gần như đối diện với chuông chùa của ngài Trương Văn Uyển.

Còn nhiều nhân vật danh tiếng khác của làng Phú Lễ vào thời phong kiến thuộc các họ khác nhưng tiếc thay sử sách ghi chép rải rác khó tìm.

(Xem tiếp phần 3)