Làng Phú Lễ – Nơi gắn bó với ông Cả Khiêm

(TTH) – Trong những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ông Nguyễn Sinh Khiêm (hay còn gọi là ông Cả Khiêm, anh trai của Người) gắn bó và có thời gian sống nhiều nhất ở Thừa Thiên Huế. Chính mảnh đất này đã ghi lại những dấu ấn cuộc đời và hoạt động yêu nước của ông qua nhiều giai đoạn, thời niên thiếu (từ 1895 – 1901, 1906 – 1909) và thời kỳ bị quản thúc từ 1920 – 1946.

Nơi ông Cả Khiêm sống dài nhất trên đất Thừa Thiên Huế, từ năm 1929 đến năm 1946 là ngôi làng Phú Lễ, Quảng Điền, một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ con sông Bồ hiền hòa, với nghề bốc thuốc chữa bệnh, thầy địa lý và tham gia các hoạt động yêu nước tại địa phương.


Để tìm hiểu rõ hơn về thời gian ông Cả Khiêm sinh sống ở làng Phú Lễ, chúng tôi đã có một chuyến đi đến làng quê này. Được sự hướng dẫn của bà con, chúng tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Chanh (cháu ông Ấm Hoàng)– một nhân chứng hiếm hoi còn sống chứng kiến thời gian ông Cả Khiêm sống ở Phú Lễ. Chúng tôi đã được nghe bà kể về ông Cả Khiêm, cùng với những tài liệu thành văn như hồi ký của Đại tá Hà Hữu Thừa, bài báo của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Làng Phú Lễ – một quãng đời của người anh Bác Hồ đăng trên báo Lao Động Xuân Giáp Thân 2004, để dựng lại quãng đời ông Cả Khiêm được sự đùm bọc, yêu thương của nhân dân làng Phú Lễ.

Năm 1929, ông Cả về Phú Lễ vừa làm thầy thuốc, vừa tìm nơi “an trí” liền được ông Ấm Hoàng – Nguyễn Hữu Hoàng, con của ông Nguyễn Hữu Nhiếp (giữ một chức quan nhỏ dưới triều Thành Thái) và là bố vợ của đại tướng Nguyễn Chí Thanh – mời lưu lại trong nhà bên chợ Phú Lễ.

Sau đó được sự mai mối của ông Nguyễn Hữu Hoàng, gia đình nhà chồng bà Giáng đã đồng ý cho bà tái giá và sống cùng ông Cả Khiêm. Gặp được bà Giáng như là một duyên phận đối với ông Cả Khiêm, bởi bà Giáng là một người phụ nữ “Làm nghề buôn hàng xén và hàng xáo (gạo) ở chợ Phú Lễ. Bà là một người phụ nữ giỏi giang, đảm đang, lịch thiệp và rất năng động trong việc làm ăn. Mẹ tôi cùng ông cả Khiêm và tôi ở trong ngôi nhà tại chợ Phú Lễ, huyện Quảng Điền, bên tả ngạn sông Bồ. Đó là một ngôi nhà rường 3 gian (cột kèo bằng gỗ) lợp tranh, phên bằng tre nứa, phủ một lớp vôi cát; nền xây cao hơn mọi nhà, xung quanh kè đá trong đổ nền bằng đất… Nhà mặt tiền sát chợ, rộng khoảng 8m, sâu khoảng 6m. Đó là nơi ở vừa là một quầy hàng ở chợ thôn quê của mẹ…” (1).

Cuối năm 1933, bà Giáng có với ông Khiêm một người con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Cao. Người con gái đầu lòng của ông Cả Khiêm lên 3 tuổi thì mất vì bệnh. Năm 1937, bà Giáng sinh tiếp người con gái thứ hai Nguyễn Thị Ba. Đang ở Huế, được tin có cháu gọi bằng cô, bà Nguyễn Thị Thanh – chị ruột ông Cả, về Phú Lễ thăm và ở lại một thời gian để chăm sóc cháu. Đến khoảng 3 tuổi, bé Ba mắc bệnh và qua đời. Đến năm 1943, bà Giáng lại sinh thêm một người con trai đặt tên là Nguyễn Tất Thông nhưng mất 6 tháng sau đó. Ông Cả thương con vô cùng vì làm thầy thuốc mà không cứu được con. Đây là khoảng thời gian mà ông Cả Khiêm đau khổ nhất trong cuộc đời.

Viết về ông Cả Khiêm, Đại tá Hà Hữu Thừa, người đã từng sống với ông Cả Khiêm và được ông chăm sóc, dạy dỗ, nhận xét rằng: “Thật hiếm thấy một con người bình thường mà có lối sống khác thường như thầy Cả Khiêm. Là người thông minh có chí lớn, song gần như cả cuộc đời (trên 30 năm) bị tù tội và quản chế thì không làm nên sự nghiệp gì hơn trong vòng kiểm tỏa của chủ nghĩa thực dân. Tuy không vượt được ra ngoài vòng cương tỏa, tìm đường cứu nước, cứu dân, nhưng thầy Cả Khiêm đã sống theo cách sống và suy nghĩ của riêng mình. Sống tự do trong cái “Tự do quản chế”.

Qua lời kể của bà Nguyễn Thị Chanh, chúng tôi được biết mộ của bà Giáng vẫn còn được giữ nguyên vẹn vì năm 1960 bà mới mất và có bia mộ. Ba người con của ông Cả Khiêm với bà Giáng cũng được chôn ở trong nghĩa địa họ Nguyễn Tăng – nhưng mộ của ba người con ông Cả Khiêm không có bia mộ, nên giờ cũng bị thất lạc, không còn dấu vết.

Địa điểm ngôi nhà bà Giáng ở, với những gánh hàng xén, hàng xáo bán ở sát chợ Phú Lễ và đình làng Phú Lễ, nơi ba người con của ông Cả Khiêm đã ra đời thì sau 1975, chính quyền sở tại đã cấp cho gia đình khác sống ổn định. Khi hỏi những người từ 50 tuổi trở xuống, họ đều không biết nhà bà Giáng ở đâu.

Và khi ra đến đình làng Phú Lễ chúng tôi may mắn gặp ông Trần Thiên Liêm, năm nay đã 78 tuổi. Người đã từng có một thời gian sống trọ nhờ ở tại nhà bà Giáng, đã rất hăng hái chỉ những địa điểm mà chúng tôi cần tìm như nền đất nhà cũ của bà Giáng, căn nhà thờ do ông Hà Hữa Thừa (con trai bà Giáng) lập ra để thờ bà Giáng và ông Cả Khiêm. Qua ông Trần Thiên Liêm, chúng tôi cũng đã tìm gặp được con dâu của bà Chanh – vợ ông Nguyễn Tăng Thái gọi bà Giáng bằng cô ruột và biết thêm nhiều thông tin về bà Giáng và ông Cả Khiêm giai đoạn sống tại Phú Lễ.

Sau chuyến đi đọng lại trong suy nghĩ của chúng tôi – những người làm công tác bảo tàng, mỗi người một niềm riêng. Rất mừng là ngày hôm nay mảnh đất Huế, con người Huế vẫn còn lưu giữ được những kỷ niệm về anh trai của Bác Hồ – ông Cả Khiêm – một người đã sống và cống hiến cho đất nước, dân tộc với tấm lòng yêu nước, thương nòi chân chính.

(1) Hồi ký của ông Hà Hữu Thừa, con trai bà Giáng – người đã được ông Cả Khiêm thương yêu dạy dỗ như con đẻ

 

Bài viết của Tác giả: Loan Gia Báo Thừa Thiên Huế Online