Những màu Mưa Huế

Nguyễn Nam Phương

Những năm tháng sống ở Huế, đã đi qua nhiều mùa mưa “buồn thúi ruột thúi gan”, nhưng chưa lần nào tôi thử hỏi xem mưa Huế có màu gì. Trịnh Công Sơn bảo “nắng buồn hơn mưa”, có lẽ người nhạc sĩ tài hoa nhìn thấy lẽ biến thiên trong từng giọt nắng, để từ đó suy nghiệm về thân phận phù du của kiếp người (?). Tôi sẽ nói về những giọt nắng Huế trong một dịp khác. Mưa Huế đã gieo trong nỗi suy tư buổi đầu đời của tôi những ám ảnh lạ kỳ. Có lẽ, điều đó chỉ bắt đầu bám rễ sau đêm mưa khốc liệt của mùa bão tố năm 1985.

Trận mưa hãi hùng ấy đi kèm cơn bão số 8 của năm đó, cuốn thốc những tấm tôn bay cuộn giữa trời đêm sấm giật, như một trò chơi khốn nạn. Nội tôi lo lắng nhấc từng bước chân khó nhọc để chống đỡ với cơn cuồng nộ của cao xanh. Anh em tôi ngồi co ro trong một góc nhà, đôi mắt trẻ dại sợ hãi theo từng hồi gió rít. Buổi sáng hiện ra những tan hoang, đổ nát quanh vườn tược xác xơ, như người đàn bà vừa bị đánh ghen. Tôi nhìn mảnh vườn ngổn ngang, ngã đổ những cây lá, lòng rưng rưng một nỗi buồn khôn tả. Trong đôi mắt cam chịu của nội, tôi nhận ra một nỗi buồn khác: nỗi buồn của sự đơn chiếc!
Anh em tôi còn quá nhỏ để có thể chia sớt cùng nội những ngày sắp tới. Những ngày sắp tới là những ngày dư dả nhọc nhằn của kiếp mưu sinh trên mảnh đất thiếu phì nhiêu mà hào phóng bất trắc. Nội tôi đã gánh thương tật chân phải trong một chiều trèo hái những trái đào cho kịp buổi chợ hôm. Đôi chân cà nhắc, khó nhọc ấy đã bấm ngón biết bao lần trên quảng đường lầy lội để cày sâu, cuốc bẫm trên hai sào đất hương hỏa.

Trong chái nhà dựng tạm lại sau cơn bão, gian thờ tổ tiên và chỗ nằm của anh em tôi là tươm tất hơn cả. Mỗi buổichiều đông lướt thướt những cơn lạnh cắn răng, anh em tôi từ lớp học trở về nhà, bao giờ cũng có sẵn một đống lửa. Chúng tôi hơ tay cho bớt những nếp nhăn nheo trên da thịt vì lạnh. Nội tôi lùi dưới tro ấm mấy củ khoai chờ sẵn. Mùi khoai lang nướng trong những ngày rét mướt đã theo tôi đi suốt tháng, suốt năm.

Khi ở Sài Gòn, người ta chở quê ra phố với những khoai, những bắp, những sắn… người ta cũng chở theo luôn cả mùi vị thơm thảo quê nhà lẫn ký ức của biết bao đứa con tha hương. Cũng vậy, khi nhìn những cơn mưa ầm ào, vội vã của đất Sài Gòn, tôi lại nhớ cồn cào những cơn mưa Huế. Hết tiểu học, tôi rời xa những cơn mưa lầy lội nơi quê nhà để bắt đầu những tháng ngày phố xá phồn hoa. Mỗi cuối tuần, tôi đều nhảy xe đò về thăm nội, nắng cũng như mưa. Chưa đầy hai chục cây số, nhưng với một đứa trẻ mới ngoài mười tuổi, ấy là một đoạn đường dài. Ở phố có những mới lạ mở ra cho một đứa trẻ, nhưng cũng đóng lại nhiều thứ. Mất gần một học kỳ, tôi mới hòa nhập được với đám bạn ở trường Phú Hòa, bên cửa Thượng Tứ.

Tôi ở trong một căn gác trên đường Trần Hưng Đạo, sát quân tiếp vụ cũ, thường thức khuya để nghe những hạt mưa gõ đều đều một nỗi cô đơn bất tận. Ủ mình trong chăn, tôi nhớ mùi khoai lang nướng những chiều đi học về. Sẽ còn rất nhiều lần như thế nữa trong đời. Ở phố, những tiếng rao đêm làm cho con người ta thấy cuộc đời dài thêm những nhọc nhằn. Ở Huế thời đó, hai thứ bán vào lúc khuya khoắt là trứng vịt lộn và bánh mì. Ánh đèn đường buồn hiu hắt đổ dài bóng người bán hàng trên hè phố, kéo một vệt truân chuyên di chuyển chầm chậm. Những lúc kéo cửa, xòe tay đón ổ bánh mì nóng hổi giữa đêm, tôi thấy buồn chi lạ. Đôi mắt người bán hàng nửa như hàm ơn, nửa như ghen tị làm tôi thao thức. Sau này, tôi thường quan sát ánh mắt những người bán hàng rong, dường như cách nhìn ấy, ai cũnng có (!?) …

Một đôi lần, trong nỗi nhớ thương vời vợi quê nhà xa ngái, tôi thử tìm coi mưa Huế có bao nhiêu màu. Anh Phương Xích-Lô có một bài thơ về bảy màu mưa Huế mà tôi chỉ lờ mờ trí nhớ:

“Anh đưa em về ngang qua Cầu Mới
Mưa đen trên trời, mưa tím dưới sông 

Áo trắng em chư như tranh lập thể

Ai đã tô lên những áng mưa hồng”

Đó là cái nhìn thi sĩ của một người yêu mến sự mơ mộng. Còn tôi, dù có mơ mộng bao nhiêu đi nữa thì cái màu mưa bám riết trong những hoài niệm vẫn là màu của nỗi buồn. Từ nỗi buồn trong màu mưa Huế, tôi thấy lung linh những ân tình ngày cũ. Nó thơm hoài như mùi khoai lang nướng ngày nào của nội tôi, ủ ấp trong hơi ấm yêu thương đùm bọc, chở che.

Đó là màu của nỗi buồn.

Buồn, nhưng không tủi!