Nhớ Làng

Nguyễn Nam Phương
“Xa mười năm tôi chưa trở lại
Vẫn thấy mình có một quê hương” (*)

Tôi chẳng ngại ngần gì để nói mình là người nửa quê, nửa phố, dù thời gian tôi sống ở quê chỉ gói gọn hết thời tiểu học. Ấy vậy mà những gì – tôi cho là nền tảng – để hình thành nên một con người, khoảng thời gian “thơ ấu” lại nắm giữ vai trò xương cốt. Những gì thu lượm được từ cuộc sống từ đó trở về sau, chẳng qua là lớp da thịt đắp bồi thêm bên ngoài mà thôi. Chính cái bộ xương khung vững chãi trước kia mới giúp người ta chống đỡ được những xấu xa, vụn vặt để vươn lên làm một con người tử tế.

Căn nhà nhỏ nơi tôi sống qua tuổi thơ mình ở làng Phú Lễ, bên cạnh sông Bồ, không đường bệ nhưng mang rõ ràng dấu ấn của dòng họ. Tên làng tự thân đã mang trong mình nó một ý nghĩa nhân văn. Tôi vẫn nghe nội tôi nói Phú Lễ là giàu lễ nghĩa, chứ không phải là giàu và lễ nghĩa, hay phú quý mới sinh lễ nghĩa. Tuổi thơ, tôi nhuốm trong những câu chuyện kể về tổ tiên, dòng họ và không khí linh thiêng của những ngày giỗ chạp. Nội tôi vẫn thường kể về vị tổ phụ từ Gia Miêu Ngoại Trang (Thanh Hoá) theo bước chân Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào Nam. Họ Nguyễn ở đất Phú Lễ là một dòng họ lớn, theo như cách gọi của dân làng: Đông Trần, Tây Nguyễn.

 Qua mấy trăm năm biến động của chiến tranh, thiên tai, thời cuộc…, trên mảnh đất lưu dấu tổ tiên này đã chứng kiến bao thăng trầm của nhiều thế hệ trong gia tộc. Dấu ấn đậm đà nhất trong căn nhà tuổi thơ tôi là gian thờ chính ở giữa nhà, nơi có bức chân dung truyền thần của vị thất huyền tổ được vẽ ở Trung Hoa, khi người công vụ ngoại giao. Phía trước thấp hơn là hòm gia phả, phủ nhiễu điều. Mỗi lần cần tra cứu gì gia phả, nội tôi đều thắp một nén nhang, cáo với tổ tiên. Tôi được dạy rằng, có trước mới có sau, có trên rồi mới có dưới và chuyện người dưới thưa gởi với người trên là chuyện hợp lẽ ở đời. Thành kính với tiền nhân cũng là một lẽ như vậy!

 Gian thờ giữa nhà với tôi vừa linh thiêng, vừa gần gũi, chẳng có chút sợ hãi mơ hồ nào. Điều này có lẽ nhờ nội tôi vẫn kể cho tôi nghe về những người đã khuất trong gia tộc mỗi khi có dịp, nên những bức ảnh phủ nhiễu điều trên ban thờ trở nên gần gũi, thân thuộc.

 Những ngày sóc, ngày vọng trong tháng, nội tôi đều lau dọn ban thờ, đốt nhang, xông trầm. Tôi cũng được dự phần trong những công việc ấy bởi là cháu đích tôn, ba tôi lại ở xa. Nội tôi nói: “Đừng để cho hương tàn, bàn lạnh mà có tội với tổ tiên!”. Rộn ràng nhất là những lúc chuẩn bị cho tảo mộ hay hiệp kỵ, bởi nhà tôi là từ đường. Trước một ngày lễ chính, nội tôi thay cát trong những bát nhang, chùi lại bộ lư đồng, rửa các đồ tế tự rồi chưng hoa quả, giấy tiền, vàng mã lên ban thờ. Mạ và các o tôi chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh và nhiều thứ khác để nấu cỗ. Cái gian thờ giữa nhà trở nên đẹp một cách lạ thường trong những ngày như vậy. Tôi nhớ mình đã chờ đợi những dịp ấy trong sự mong mỏi trẻ thơ được gặp nhiều người bà con, được nghe một câu hỏi thăm hay một cái xoa đầu là… sướng lắm!

 Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nội tôi đụng một giọt rượu trong những dịp lễ lạc. Những người bà con dự cỗ cũng không mời một câu lấy lệ. Mãi sau này, tôi mới được biết câu chuyện cảm động liên quan đến chuyện không uống rượu của nội tôi. Lúc còn tuổi trẻ, nội tôi đi dự tất niên ở nhà hàng xóm. Buổi chiều, bánh trái đã gói xong, nội định bụng ăn tất niên xong sẽ về nhà nấu. Nhưng rồi cuộc vui khó dừng, rượu vui quá chén, về trễ nên nội nằm ngủ luôn. Quá nửa đêm, tỉnh rượu, nội tôi thức dậy, giật mình thấy ông cố đang ngồi canh lửa cho nồi bánh chưng. Nội tôi rớt nước mắt nhìn bóng cha già lọm khọm bên củi lửa, thề từ đó không bao giờ đụng tới giọt rượu nào nữa. Nội tôi thường dạy rằng, khi mình biết sống vì một ai đó, mình có thể làm được nhiều việc mà bình thường mình nghĩ là khó có thể làm được. Sau này, có gia đình, con cái, tôi mới thấm thía nghĩa lý của lời dạy đó. Đôi khi, từ chối một cuộc vui với bạn bè để đổi lấy nụ cười của vợ con ở nhà là một chọn lựa không mấy dễ dàng.

 …

 Ngày tết, gian thờ giữa nhà mới thật sự là cả một không gian kỳ lạ. Nhiễu điều được giặt sạch, gấp lên cao, các khung gương bọc di ảnh cũng được lau chùi cẩn thận, nên những gương mặt người xưa như bừng sáng lên giữa ngày xuân. Tôi lại chìm đắm trong những câu chuyện của nội tôi về những người trong gia tộc đã xa. Tôi nhớ mình đã nghe nhiều lần lắm những câu chuyện đó, nhưng lần nào nghe, cũng thấy như mới lần đầu. Mỗi câu chuyện về một cuộc đời là những bài học dung dị về lẽ đối nhân, xử thế ở đời mà sách vở không thấy hiện diện, hoặc có hiện diện thì cao siêu, khó nuốt.

 Dưới gậm ban thờ còn là một thế giới khác tuổi thơ tôi. Tôi đã giấu ở đó những chuỗi ngọc xâu từ bông trứng gà tròn tròn xinh xinh, từ bông ngũ sắc bé tẹo nhiều màu rực rỡ, cái vỏ lon sửa bò cũ với những cọng cỏ, bên trong là một chú dế trũi đen trùi trụi. Tôi đã trải qua những ngày thơ bé, giản đơn ở làng quê, như âm vang của những câu thơ:

                        “Tuổi thơ nào không có mẹ cha

                        Liếp tranh che cũng gọi là nhà

                        Dưới gậm thờ giấu con dế trũi

                        Để đêm nằm nghe gáy thiết tha” (*)

 Mấy chục năm rồi tôi xa căn nhà tuổi thơ. Nội tôi đã trở thành người thiên cổ từ lâu. Sau những bon chen chợ đời phù du, ba tôi trở lại căn nhà từ đường để nối tiếp mạch nguồn dòng họ. Căn nhà đã khang trang hơn trước qua mấy lần sửa chữa lại, nhưng cái hàng chè tàu trước ngõ và gian thờ giữa nhà thì vẫn thế. Ôi, cái ngõ nhỏ tôi đã chạy chân trần tuổi thơ, cái gian thờ với bao câu chuyện của người xưa! Tôi bùi ngùi nhớ hương khói nhang trầm bay thơm những ngày sóc, ngày vọng; nhớ nội tôi với dáng ngồi quen thuộc, truyền cho tôi sự gắn bó máu thịt cha ông từ những câu chuyện kể. Tôi mơ sống lại những ngày trẻ thơ nơi căn nhà nhỏ với nội tôi, chạy chân trần ra ngõ, nghe tiếng dế gáy dưới gậm thờ… Tôi mơ chạm tay vào chiếc hòm gia phả cũ kỹ, nhìn gương mặt người xưa bừng sáng khi cuốn lên tấm nhiễu điều giữa ngày xuân…

 Trong một tản văn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết rằng: “Khi ta ngồi uống rượu một mình và nhớ những người đã khuất thì đó là một điều bất hạnh. Khi ta ngồi uống rượu một mình và không còn nhớ đến ai cả thì đó là một điều bất hạnh gấp đôi”. Với tôi, những ly rượu một mình là lúc tôi được thỏa thuê vùng vẫy trong êm đềm tuổi thơ, nơi làng quê bé nhỏ khiêm nhường. Cánh cửa quá khứ luôn là một điều mầu nhiệm, không phải để chạy trốn thực tại, mà để từ cánh cửa ấy, ta nhấn bước tương lai với những bài học giúp ta bớt lầm lạc trên đường đời.

 Khi tôi gõ cửa vào đời với bao ước mơ thoát khỏi lũy tre làng, tôi mang sự háo hức của kẻ chinh phục. Lúc đã thấy thế giới bên ngoài, chạm tay vào cuộc sống, xa ngái quê hương, tôi lại muốn mở toang cánh cửa quá khứ, bước chân trở lại ngày xưa, nơi nếp nhà quê cũ khiêm nhường. Ở đó, có biết bao điều của ngày thơ bé, tôi vừa kịp nhận ra.

 Có một nơi để quay về thương nhớ là một may mắn lớn trong đời mỗi con người, và tôi là một người may mắn.

 (*) Ca khúc Phan Như – Cao Hữu Điền