Nguyễn Xuân Chánh: Làng Phú Lễ – như tôi được biết (phần cuối)

Người anh ruột của tôi là Nguyễn Xuân Nghị ở trong “nhóm thanh niên sông Bồ ” tôi biết anh hay gặp ông Thầy Nghệ và ông ấm Hoàng. Vào giai đoạn đầu có lẽ vì tôi còn nhỏ và nhiều chuyện phải giữ kín nên chưa bao giờ tôi được  nghe anh tôi nói đến hoạt động của ông Thầy Nghệ và ông ấm Hoàng và của bản thân anh tôi. Nhưng đã có lần mẹ tôi và gia đình xôn xao vì anh tôi đi Huế biểu tình đón phái viên thanh tra Godart của chính phủ bình dân Pháp thì bị bắt và sau đó tri huyện Quảng Điền và lý trưởng Phú Lễ có đến khám nhà.

Sau đó khi tôi đi học ở trường huyện Quảng Điền thì biết được phía trước trường gần bãi cát ở bờ sông Bồ có nơi an trí của một số anh làm cách mạng, đó là những ngôi nhà tranh nhỏ hẹp gọi là Nhà Tằm ; gọi như vậy vì các anh ấy nuôi tằm để sinh sống. Chúng tôi được người lớn bảo là không nên ra đó chơi. Nhưng tôi lại thấy anh của tôi hay chơi, gặp gỡ các anh đấy. Nhất là nhiều buổi chiều trời nắng đẹp các anh nhìn như là các thư sinh trắng trẻo hay chèo loại thuyền nhỏ trắng gọi là pê-ri-xoa (périssoire) đi chơi dọc sông Bồ ghé vào chợ Phú Lễ. Tôi có một người chị họ nhà ở sát bờ sông, các anh đi thuyền buộc vào mấy chân cột dưới nước leo lên vài bậc thang là đến ngay giữa nhà. Anh ruột tôi, chị họ của tôi thường hay trò chuyện với các anh Nhà Tằm ở nơi đó. Sau này tôi mới biết trong các anh Nhà Tằm tới chơi thường xuyên có anh Lâm Mộng Quang và chị họ của tôi là Nguyễn Thị Bàu đã lấy anh Lâm  Mộng  Quang.

Anh Lâm Mộng Quang là đảng viên cộng sản từ những năm 1930, tích cực tuyên truyền vận động cách mạng vùng Thừa Thiên Huế.

Sau cách mạng ông làm việc ở Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên. Kháng chiến bùng nổ ông được giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng dân quân tỉnh. Tháng 3-1947 trong hội nghị kháng chiến của tỉnh tại Sịa ông và một số cán bộ khác bị quân địch bao vây bất ngờ và bắt sống. Ông bị đưa đi xử bắn ngay sau đó. Trước họng súng quân thù ông đã hô vang các khẩu hiệu cách mạng, nét mặt bình thản tin tưởng vào thắng lợi khi những viên đạn của quân thù bắn trúng vào ngực. Ông hy sinh lúc 40 tuổi

   Gần đây tôi mới biết anh Lê Quang Vịnh, người chiến sĩ đấu tranh kiên cường với địch khi bị bắt giam ở Côn Đảo là cháu gọi ông Lâm Mộng Quang bằng cậu, lúc đầu kháng chiến đã tản cư về làng Phú Lễ ở nhà bà Bàu.

   Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng là người có nhiều duyên nợ với làng Phú Lễ. Trước anh hoạt động bị bắt bớ tù đầy ở nhà lao Huế, ở Lao Bảo, ở KonTum cùng với các anh như, Hoàng Anh, Tố Hữu v.v…như thế nào thì những người dân thường, những học sinh còn nhỏ ở làng, ở huyện như chúng tôi không mấy ai được biết. Nhưng ngay sau ngày khởi nghĩa những cái tên như anh Vịnh (Nguyễn Chí Thanh ) anh Lành ( Tố Hữu) đều rất nổi tiếng, tầng lớp thanh thiếu niên trong làng ai cũng nghe nói đến. Tôi có người chị tên Nguyễn Thị Kỉnh tuổi vào cỡ em chị Nguyễn Thị Cúc con ông ấm Hoàng. Sau cách mạng các chị rất hăng hái tham gia hoạt động, đi dự các lớp huấn luyện nữ thanh niên có các anh Việt Minh cấp tỉnh. Ra về tôi nghe các chị khen nức nở là anh Vịnh, anh Lành nói rất hay. Các chị còn nói chị nào thích anh nào ở lớp huấn luyện. Không lâu sau chị tôi nói rằng anh Vịnh sẽ lấy chị Cúc và đám cưới sẽ tổ chức theo kiểu đời sống mới ở sân gần đình làng Phú Lễ. Lúc đó chúng tôi cứ nghĩ tình yêu dẫn tới đám cưới là bắt đầu từ các cuộc gặp gỡ ở lớp huấn luyện. Về sau, nói đến Nguyễn Chí Thanh ai cũng biết là rể làng Phú Lễ.

Rể làng Phú Lễ còn có một nhân vật nổi tiếng nữa là đại tá Hà Văn Lâu, người giữ quân hàm đại tá hình như lâu nhất.

Từ năm 1945 ông đã là huấn luyện viên quân sự tại trường Thanh niên Tiền Tuyến, một trường quân sự đặc biệt thành lập thời chính phủ Trần Trọng Kim. Sau cách mạng, ông làm Hiệu Trưởng trường quân sự ở Nha Trang, làm trưởng phái đoàn sĩ quan liên lạc của Việt Nam cũng ở đấy. Năm 1946 ông làm chỉ huy trưởng Mặt trận Huế kiêm chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Thừa – Thiên – Huế. Năm 1951 ông làm Cục phó Cục tác chiến ở Bộ Quốc Phòng, tham gia nhiều chiến dịch với đỉnh cao là Điện Biên Phủ. Thời gian này ông đã là đại tá. Trong phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hoà ở hội nghị Geneve ông là đại tá chuyên viên quân sự. ở hội nghị Trung Giã bàn với Pháp về việc rút quân Pháp khỏi Bắc bộ, trưởng đoàn đàm phán về phía ta là đại tá Hà Văn Lâu. Sau đó ông làm đại sứ ở nhiều nước, làm thứ trưởng bộ ngoại giao …nhung sau đó nói về quân sự đến nay vẫn gọi ông là đại tá Hà Văn Lâu .

   Ông lấy bà Nguyễn Tăng Diệu Hương người họ Nguyễn Tăng ở làng Phú Lễ.

Bà Diệu Hương là bà con chị em với bà Giáng cũng họ Nguyễn Tăng vợ ông Thầy Nghệ. Về phía ngoại bà cũng có bà con với bà Bàu vợ ông Lâm Mộng Quang và bà Cúc vợ ông Nguyễn Chí Thanh. Như vậy bốn ông rể nổi tiếng của làng Phú Lễ về phía vợ đều có dây mơ rễ má bà con với nhau. Sau này nhiều người còn liên hệ xa xôi nói rằng người đẹp Hà Kiều Anh cũng là con cháu làng Phú Lễ vì là cháu nội ông Hà Văn Lâu.

   Từ cuối năm 1946 đến giữa năm 1975 gần 30 năm làng Phú Lễ trực tiếp xảy ra hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đất đai của làng thì vẫn thế nhưng người ở lại làng và người đi xa làng; cả ở và đi cũng theo nhiều hướng.

Rất tiếc là đến nay vẫn chưa ai ghi được những sự kiện lớn, những nhân vật nổi bật của thời kỳ này. Anh ruột tôi là Nguyễn Xuân Nghị chỉ huy du kích của huyện Quảng Điền hy sinh vào cuối năm 1947 ở chiến khu Hoà Mỹ nhưng sau 1975 chúng tôi mới được biết đến rất sơ lược khi xã Quảng Phú trao giấy chứng nhận liệt sĩ.

   Đối với những người như chúng tôi, lúc đầu cách mạng chỉ 10-15 tuổi, nay đều là 75-90 tuổi đều đã về hưu, già yếu có người đã mất. Tuy vậy vẫn hay tìm nhớ đến những người Phú Lễ. Riêng trong  lĩnh vực giảng dạy nghiên cứu ở đại học, tôi có thể kể ra một số người Phú Lễ quen biết như sau :

   – Trần Đình Sử : Đã giảng  dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà nghiên cứu, văn học, chuyên gia về thi pháp, viết sách văn học, viết sách giáo khoa.

   – Nguyễn Xuân Nam :Đã giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu lý luận phê bình văn học viết sách văn học và sách giáo khoa.

   – Trần Bá Đệ : Đã giảng dạy ở Đại học sư phạm Hà Nội, chuyên nghiên cứu viết sách về sử học.

   – Nguyễn Hữu Chí  : Đã giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyên nghiên cứu về vật lý, chân không, viết sách về vật lý

   – Trần Bá Chữ :  Đã giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở Viện kỹ thuật quân sự. Chuyên nghiên cứu về laser. Viết sách về vật lý

   – Nguyễn Xuân Chánh : Đã giảng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Chuyên nghiên cứu về Vật lý chất rắn Viết sách về vật lý.

Làng Phú Lễ có hai người cùng tên là Nguyễn Xuân Chánh. Một người dạy vật lý ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Một người là giáo sư tiến sĩ về luật học ở  Pháp, làm cố vấn về luật cho chính quyền Việt Nam cộng hoà trước đây và là giáo sư về luật ở đại học luật Sài Gòn nay định cư ở Pháp. Là chắt đích tôn của ông Nguyễn Xuân Triêm như đã nói ở phần trên của bài này.

   Đó chỉ là đôi nét đơn giản của những người con của làng Phú Lễ nay đã ở tuổi cổ lai hy, hoạt động trong các ngành giáo dục, văn sử và khoa học tự nhiên mà tôi được biết. Cần tìm hiểu, mở rộng thêm nhất là đối với những người trẻ, đây không phải là việc dễ vì dân làng Phú Lễ nay đã đi khắp mọi nơi.

——-

Năm 2012 này dân làng Phú Lễ đang ở làng cũng như sinh sống khắp mọi nơi, hồ hởi nhìn về đình làng đang được trùng tu. Nhiều người suy nghĩ từ khởi thuỷ ai đã đặt tên làng là Bái Đáp mà sau đó Dương Văn An trong Ô Châu Cận Lục đã ca tụng : phong tục Bái Đáp chuộng Lễ. Có phải vì sự chuộng Lễ ấy không mà khi dâng sớ xin đổi tên làng, ngài Trương Văn Uyển đã đặt tên làng là Phú Lễ Bức hoành phi lớn giữa đình làng trước đây ghi to bốn chữ: Phú Nhi Hiếu Lễ

 Tiền nhân đã rất nhấn mạnh đến chữ Lễ cho dân làng. Một câu đối treo giữa đình làng cũng viết :

Phú địa vinh ba thiên cổ tại

Lễ môn quảng hạ vạn niên tồn

Việc trùng tu đình làng Phú Lễ sẽ được hoàn thành trong nay mai. Chúng tôi hy vọng là làng dần dần trở nên trù phú, văn hoá lễ nghĩa phát triển. Làng và đình làng Phú Lễ sẽ là một điểm nhấn trên tuyến tham quan về văn hoá dọc sông Bồ. ./.
— Hết–