Di tích “Nhà Thánh” – Đền thờ Đức Khổng Tử tại Làng Phú Lễ

Tên gọi “Làng Phú Lễ” luôn gợi sự liên tưởng về một làng quê có truyền thống giàu lễ nghĩa. Người Phú Lễ từ bao đời nay vốn rất tôn trọng đạo đức và lễ nghĩa, biểu hiện rõ qua truyền thống tôn sư và luôn coi trọng đạo học. Trong quá trình duy trì và phát triển tinh thần hiếu học này, các bậc tiền nhân đã liên tục tiếp nối xây dựng và củng cố truyền thống Nho học của Làng. Không rõ từ thời nào, Làng Phú Lễ đã từng duy trì và phát triển một “Hội Thánh”- Hội của những người trí thức, cầu thị và một ngôi đền thờ Đức Khổng Tử được dân làng quen gọi là “Nhà Thánh”.

“Nhà Thánh” vốn tọa lạc ở xóm Phú Thọ, còn gọi là “Xóm Sau”, nằm cách tỉnh lộ về Sịa khoảng ba trăm mét. Đền được xây dựng trên một thửa đất hình cây bút cạnh một hồ nước tượng trưng cho nghiên mực. Hồ này có tên gọi là Bàu Làng, ngày xưa Bàu quanh năm không bao giờ khô cạn nước kể cả về mùa hè. Ý hẵn cổ nhân mong cho nghiên mực của Làng không bao giờ cạn- đạo học của Phú lễ sẽ mãi trường tồn và phát triển…

 Các bậc cao niên trong Làng kể lại rằng vào trước thế kỷ 20, “Nhà Thánh” vốn là một căn nhà rường 3 gian 2 chái uy nghi. Bên cạnh ngôi chánh đường còn có một gian liên kế dành cho người chuyên trách việc thờ tự (giữ từ) nên nơi “cửa Thánh” quanh năm luôn được khói hương ấm cúng.

 Vào đầu thế kỷ 20, vì một lý do nào đó ngôi nhà thờ 3 gian bị phá bỏ và xây dựng lại theo kiến trúc mới là một đàn thờ lộ thiên xây bằng gạch và vữa vôi. Xung quanh đàn thờ được bao bọc bằng bốn bức tường thành với một cửa ra vào. Hai bên cửa có hai trụ biểu cao khoảng ba mét. Các đầu trụ có cấu trúc hình lồng để các đèn trang trí khi tế lễ. Phía trước có một khoảnh sân và một bức bình phong lớn. Tuy là đàn lộ thiên với diện tích không rộng nhưng bên trong lại được bố trí đến 4 bệ thờ với các cấp bậc khác nhau. Giữa khu đàn thờ, nơi vị trí trang trọng nhất là khám thờ có mái che nhỏ, với bức họa hình long ẩn rất tinh vi phía sau. Cũng như các nơi thờ tự khác, ở khám thờ này có các bát nhang, quả bồng, bình hoa và chân đèn. Tiếp theo phía trước là ban thờ được chia làm 3 cấp thấp dần từ trong ra ngoài. Ngay chính giữa phía trước đàn có một hương án, hai bên có chổ để cắm lọng. Hai bên tả hữu còn có 2 bệ thờ song song bố trí đối xứng qua trục chính của khu đàn thờ. Hai bệ thờ này cũng được chia làm ba bậc theo kiểu thấp dần từ trong ra ngoài. Mặt chính của đàn quay về hướng nam.

Việc hương khói và cúng tế hàng năm tại “Nhà Thánh” do “Hội Thánh” đảm trách. “Hội Thánh” là một tổ chức gồm các vị có nho học, những người có tinh thần tôn trọng việc học trong làng và những người làm các nghề nghiệp thủ công. Hội hoạt động theo tôn chỉ cổ súy cho việc duy trì và phát triển truyền thống hiếu học của làng.

Giai đoạn các năm 1954-1963, Hội đổi tên thành “Hội Ái Hữu” và tôn chỉ của Hội có thêm vào việc tương trợ lẫn nhau và tương trợ cho bà con khó khăn trong Làng.

Những bậc tiền nhân từng là thành viên thường trực của Hội gồm các nhà nho: Nguyễn Ái Doãn, Nguyễn Dư Thùy, Nguyễn Dư Đồng, Lê Văn Xuân, Trương Văn Cự, Trần Đình Đương, Trần Đình Huấn, Nguyễn Ái Chấp, Nguyễn Ái Túc, Lê Văn Xuân, Nguyễn Đắc Bang, Nguyễn Đắc Cảnh, Nguyễn Đắc Nhuận, Trần Đình Kinh, Nguyễn Đắc Đảng, Nguyễn Đắc Dĩ, Trần Đình Ký, Trần Đình Giáng, Trương Văn Hinh, Trần Thiên May, Trần Bá Bái, Trần Bá Tựu, Nguyễn Ái Hoài,… và rất nhiều thành viên khác của “Hội Thánh” nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Kinh phí cho việc hương khói, tế lễ được lấy từ hoa lợi của đất hương hỏa và một phần do hội viên đóng góp. “Hội Thánh” có đầy đủ trích lục, chứng từ khế ước về các thửa đất hương hỏa này. Các giấy tờ sổ sách chi tiêu hàng năm của “Hội” cũng được quản lý rất quy củ.

Mùa xuân hàng năm, “Hội Thánh” đều tổ chức tế lễ ở đền Thánh. Lễ tế được tổ chức rất công phu, bài bản và nghiêm trang. Trước chánh lễ hai ngày, Hội làm lễ cáo tại “Nhà Thánh”, hôm sau lại có lễ “túc yết” rất trang trọng. Đúng ngày chánh tế, lễ luôn được bắt đầu từ sớm tinh mơ (khoảng 4 giờ sáng) với đầy đủ ban nghi lễ, chiêng trống lệnh, ban tài tử tấu lễ nhạc…theo đúng phong tục cổ truyền. Sau khi tế xong, cỗ bàn lễ vật được đưa về nhà của hội trưởng (hoặc nơi thuận tiện cho việc tập trung đông người). “Hội Thánh” triệu tập thiếu niên, học trò trong Làng đến dự lễ và tiệc. Tại buổi họp mặt này lớp trẻ được các bậc trưởng bối trong “Hội Thánh” đứng ra cắt nghĩa, thuyết giảng về lễ nghĩa, về đạo làm người…cùng động viên con em trong làng chăm lo việc học hành.

Bức hình  Đức Khổng Tử dùng để thờ trong lễ  tế hằng năm đến nay vẫn còn giữ được

Hoạt động của “Hội Thánh” Làng Phú Lễ qua bao đời đã mang đến cho Làng nhiều kết quả tích cực. Nhiều con dân của Làng học hành thành đạt. Mặt bằng dân trí của Làng ngày một được nâng cao. Đặc biệt là duy trì được truyền thống trọng lễ nghĩa, tôn sư trọng đạo của Làng qua nhiều thế hệ.

Nay khu “Nhà Thánh” của Làng Phú Lễ không còn nữa. Ngôi đàn đã bị phá bỏ, san phẳng vào năm 1985 cùng với hầu hết các ngôi miếu thờ, “Đàn Âm hồn” (cũ) của Làng… “Hội Thánh” Làng Phú Lễ cũng đã tự giải tán, và tất cả trích lục, hồ sơ cũng bị hủy bỏ… Đến nay, những hội viên cuối cùng của “Hội Thánh” đã lần lượt quy tiên. Làng Phú Lễ chúng ta đã bị mất đi một di sản quý giá. 

Nền đất “ Đền Thánh”  thiêng  xưa,  nay chỉ còn là ruộng hoa màu

Bàu Làng- biểu tượng nghiên mực ngày xưa nay đã thành đất trồng khoai môn

Vài mươi năm nữa, những chứng nhân cuối cùng còn biết và nhớ về “Nhà Thánh” của Làng Phú Lễ sẽ không còn, khi ấy con dân Phú Lễ về sau sẽ không còn ai biết đến một công trình văn hóa quí giá đã từng tồn tại ngay trên quê hương mình, và quan trọng hơn nữa là việc các thế hệ ông cha qua bao đời đã tiếp nối ra sao để góp phần duy trì và phát triển truyền thống Làng xứng đáng với tên gọi và tầm vóc: “Làng Phú Lễ”!

  Phú Lễ, ngày 3 tháng 8 năm 2012    

  Nguyễn Ái Phương                                           

 ( Viết theo hồi ức và lời kể của các bậc trưởng bối)