Cội Nguồn Phú Lễ

Đã bao lần dự định về viếng mộ Ngài Khai canh, nhưng lần nào về quê cũng bận cả đống việc nên rồi cứ lần lữa mãi. Mới đây nghe nói Làng vừa nhóm họp bàn xong việc xây “Mả Ông”: ban bệ đã bầu ra, kiến trúc thiết kế sơ bộ đã có, kế hoạch vận động tài chính đang được từng bước thực hiện, đường đất dẫn vào khu mộ cũng đã đổ… Vậy nên lần này quyết phải về thôi, để mai nữa khi công trình được khởi công thì dù có muốn nhìn lại “Mả Ông” như đã có từ thuở sơ khai của Làng thì…mơ chưa chắc thấy. Vậy là trong chuyến về quê vừa rồi tôi đã quyết thực hiện được ý nguyện này vào một buổi chiều tháng năm nắng chói chang.

Mộ Ngài nằm một mình giữa đồng lúa thuộc khu “Ruộng Nậy” hay còn gọi “ ruộng Mả Ông”, hướng Đông Nam tọa Tây Bắc, trên một gò đất được đắp cao. Phía trước nấm mộ bằng đất nện với cỏ mọc xanh ngát là một hương án khá đơn sơ xây bằng gạch vữa đã cũ màu năm tháng, đó là tất cả kiến trúc đang có của “Mộ Ngài”…

Gần bảy trăm năm, biết bao thế hệ cư dân làng Bãi Đáp với lòng thành kính vẫn hằng năm đều đặn bồi đắp và khói hương cúng tế mộ Ngài mỗi dịp xuân thu.

Cùng với anh Đặng Thông Đợi và chú Trương Văn Thuận, chúng tôi thắp một nén nhang thành kính dâng lên mộ Ngài. Trong bãng lãng khói hương, bằng hồi ức và tình cảm nguồn cội được bao đời truyền lại, lòng chợt rưng rưng một mối cảm xúc bồi hồi khó tả… Tản mạn theo dòng suy nghĩ, chợt hình dung như thấy ngay trước mắt thuở những cư dân Việt đầu tiên của làng Bái Đáp đặt chân đến mảnh đất này:  sình lầy đỉa vắt, cỏ cây rậm rạp ngút ngàn, rắn độc, thú dữ rình rập, thiên tai địch họa thường xuyên…của biết bao thử thách thuở ban đầu, qua bao thế hệ để rồi dần dần biến một vùng “ác địa” trở thành “thiện địa” như ngày hôm nay.

Hẳn người xưa phải có đủ trong mình cái ý chí cao vọng quật cường của bậc khai canh, cái tài nghệ võ công đủ để dám bám trụ và đã trụ lại được trên mãnh đất của xứ sở vốn được ví là “Ô Châu ác địa”. Điều này dù chỉ là suy đoán, nhưng chúng ta có thể tin rằng nó là đúng khi nhìn vào lớp lớp các thế hệ người dân Bái Đáp – Phú Lễ qua các triều đại với biết bao nhân tài đã ra phò vua giúp nước mà tộc nào trong làng cũng có, phái nào trong các  tộc cũng có cùng với những hầu, bá võ quan; những đô đốc, võ cử; những Thái phó, Thượng thư, Tổng đốc… Về kinh tế, những tấm gương thành công của Làng xưa nay có thể nói là khó đếm xuể. Đặc biệt vào nửa đầu thế kỷ trước đã từng có một vị “đại gia” giàu vào bậc nhất của Tourane ( thành phố Đà Nẵng) vốn là một con dân của Làng…

Chợt nhớ lại nơi phát tích của Làng Bái Đáp chúng ta ( sau này được đổi tên thành làng Phú Lễ) vốn từ Trang Bái Đáp, thuộc huyện Tống Giang, phủ Hà Trung, Châu Ái ( về sau thuộc thôn Gia Miêu, xã Hà Long,  huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Trang Bái Đáp là một vùng địa linh nhân kiệt với “núi Bái Sơn dáng rồng nằm gặp dãy Tam Điệp như đàn hổ dữ đuổi theo hai con trâu chạy ra tận sát mép biển Đông”, đây về sau cũng là nơi phát tích của dòng các “Chúa và vua nhà Nguyễn”.
          Cái cội nguồn nói trên của Làng có liên quan ít nhiều gì đến sự thành công của con dân Phú Lễ chúng ta hay không thì chưa rõ. Còn nếu nhìn theo sự vượng phát khá đồng đều của các họ tộc thì thấy quả thật là ứng vào đúng với phong thủy rất đẹp của “Mộ Ngài” cả về hướng và thế như người xưa vẫn truyền tụng: “ Phía sau ruộng đậu, mặt trước cấy chiêm, hai bên lưỡi liềm quơ lại; hậu thế đa đinh, công thành, danh toại…”  thì có thể hiểu được phần nào về cái duyên do của nết khéo làm, khéo học, khéo mua, khéo bán của Người Làng chúng ta. Mà đã là con dân Phú Lễ, không nội thì cũng ngoại, có ai chẳng phải là cháu con của Ngài.

Chợt thấy sao mình quá hạnh phúc: có Tổ quốc, có dòng họ, có gia đình, và có một chốn làng quê chôn nhau cắt rốn dấu yêu để đi về…

                          

                                                      Phú Lễ, một chiều tháng năm 2015

                                                                  Trương Minh Bách