Làng Phú Lễ với “ Lệ tảo cô mộ và tế Cô Đàn” hàng năm

  Từ xa xưa cho đến ngày nay làng Phú Lễ vẫn luôn giữ nguyên vẹn một tục lệ cổ truyền của Dân tộc đầy tính nhân văn, đó là “Lễ tảo cô mộ và tế Cô đàn (1)”. Lễ này được Làng tổ chức đều đặn theo lệ hàng năm vào dịp gần tiết thanh minh, khoảng sau rằm tháng 2. Vào dịp lễ, toàn thể già trẻ trai gái trong Làng đồng loạt kéo nhau ra dọn dẹp tu sửa cho những ngôi mộ vô chủ ở các nghĩa địa trong Làng, mà nhiều nhất là ở Cồn Bại là nơi có Cô đàn của Làng. Sau khi tảo cô mộ (1) xong, Làng thường tiến hành trọng thể lễ tế cô hồn tại Cô đàn của Làng.

            Như mỗi làng quê ở xứ Thuận Hóa (2) còn giữ được nếp Lương giáo, Phú Lễ cũng có một ngôi đàn thờ phụng các âm linh cô độc không nơi thờ tự gọi là Cô Đàn. Cô Đàn Phú Lễ từ rất xa xưa vốn tọa lạc ở góc trên của Cồn Bại (3), chỗ sát đường đi dọc bờ sông Bồ, mặt hướng về bờ sông. Ngay phía sau và chếch phía trước Đàn về sát bờ sông là hai cây vông đồng cao lớn tỏa bóng che một khoảnh rộng nhìn từ xa đã thấy, mà cho đến nay vẫn mãi là một hình ảnh quen thuộc gợi nhớ về quê hương Phú Lễ thân thương trong ký ức của rất nhiều người…
           Sau khi bị triệt hạ và các bát nhang được cung nghinh về thờ ở khuôn viên của Đình Phú Lễ vào năm 1985, đến năm 1993, Cô Đàn đã được tái phục hồi thành một ngôi miếu khá khang trang nhưng vị trí dời về góc dưới cuối Cồn Bại, vẫn nằm cạnh đường đi dọc bờ sông Bồ, mặt hướng về bờ sông.
          Những vong linh tiền Việt vốn từng sống ở đây chính là những vong linh đầu tiên được thờ ở Cô đàn của Làng. Trước khi những người Việt đầu tiên đặt chân đến vùng này, đất Làng đã là nơi cư trú của những cư  dân Chiêm Thành (4). Ngày nay rãi rác ở Cồn Bại của Làng vẫn còn những ngôi mộ của người Chăm bị đất bồi lấp chỉ còn lấp ló trên mặt đất vài dấu tích nhỏ… Sử cũ kể lại rằng hầu hết người Chăm đã dời vào miền trong khi Vua Chăm Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý ( Rí) ( 5) cho Đại Việt để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Theo lệnh vua họ phải bỏ đất mà đi, nhưng mồ mả tổ tiên, đất đai ruộng đồng, những công trình thủy lợi (6), lề lối canh tác (7), tập tục tín ngưỡng cho đến nay vẫn còn đây đó trong làng dù khá mờ nhạt qua thời gian (8) và đặc biệt là dòng máu của họ đây đó vẫn còn phảng phất qua nét mặt của vài người dân trong làng thông qua những cuộc hôn nhân Việt – Chăm vào buổi đầu mở đất…(9)
           Theo sử xưa ghi lại, vào tháng 10 năm giáp-ngọ ( 1774 ) tại đoạn sông Bồ chảy qua làng Phú Lễ ( mà sử sách chép là Bái Đáp Giang) đã xảy ra một trận chiến ác liệt. Khi ấy thủy- bộ quân của chúa Nguyễn do tướng Tôn Thất Tiệp 宗 室 捷 cùng với quan Chưởng-cơ Nguyễn văn Chính 阮 文 政 cầm đầu đang án ngữ ở đây nhằm chặn bước quân chúa Trịnh đang muốn tiến chiếm Kinh thành Phú Xuân. Tướng của chúa Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc đã sai tướng Hoàng Đình Thể đem binh đi vòng lên đường núi rồi tiến binh hai mặt đánh ập lại, quân chúa Nguyễn vỡ tan bỏ chạy để lại một khúc sông Bái Đáp đỏ ngầu màu máu và la liệt thây người dưới sông lẫn trên bờ. Dân làng Bái Đáp ngày ấy đã chôn cất các tử sĩ ở cồn Bại của làng và đặt thêm một bát nhang tại Cô Đàn để hương khói cho vong linh những người chết trận…
           Nằm trên dải đất Thừa Thiên nhiều nắng gió, theo dòng lịch sử Làng cũng đã phải trải qua rất nhiều biến cố, và cũng gánh chịu biết bao mất mát đau thương. Mỗi cuộc chiến tranh, mỗi trận đói rét, mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh đi qua lại chồng chất thêm biết bao những cái chết không người thân chôn cất, không ruột thịt cúng giỗ của những người xứ xa trên bước đường phiêu bạt đã tình cờ bỏ mạng tại mảnh đất Làng…và tất cả đều được dân làng Phú Lễ với tình đồng loại, nghĩa đồng bào mà chôn cất tử tế và đều được hương khói chung tại Cô Đàn của Làng.
           Điều không thể không nhắc là trong những dòng họ người Việt đầu tiên đến định canh định cư ở làng, có vài dòng sau khi truyền được hàng chục đời thì vì nhiều nguyên do mà đã bị tuyệt tự hoặc con cháu phiêu tán thất tích, đến nay không còn con cháu trai nối dõi. Dòng họ bị tuyệt tự nhưng huyết mạch của họ thì vẫn còn thông qua các bà cô được gả vào các dòng họ khác, và ngày nay hầu hết những cư dân của Làng hiếm ai không phải là cháu ngoại gần xa của các dòng họ vừa nhắc. Vị thủy tổ của các dòng họ ấy đương nhiên đã được hợp tự ở đình Làng, nhưng lớp lớp vong hồn các đời kế tiếp thì sẽ vất vưởng không được thờ tự ở đâu cả nếu không có miếu âm hồn của Làng…
           “Tảo cô mộ và tế Cô Đàn” là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa xã hội của từng cộng đồng dân cư của dân tộc Việt chúng ta. Nếu thiếu đi phong tục này thì tính ưu việt trong cấu trúc truyền thống của cộng đồng Dân tộc sẽ bị mai một rồi dần dần biến tính và thoái hóa. Bởi không chỉ là nét đẹp của văn hóa tinh thần, phong tục này là gạch kết nối về trách nhiệm và tình cảm không thể thiếu trong vòng tròn mối quan hệ “ nhà – họ -làng – dân – nước – nhà “ vốn là nhân tố chính để  tạo nên sức sống dai dẵng và mãnh liệt giúp dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển qua suốt chiều dài của lịch sử và định hướng đến tương lai.
           Trong ngày tế âm hồn hàng năm, đến giờ hành lễ toàn thể dân làng tề tựu về Cô Đàn với trang phục khăn áo tề chỉnh. Lễ tế được tiến hành trọng thể với ban nghi lễ gồm vị chủ tế, các bồi tế, hai vị xướng lễ, một vị đọc chúc văn kèm ban chiêng trống dẫn lễ. Vào những năm tế trọng đặt biệt thì tham gia dẫn lễ còn có ban cổ nhạc phụ họa. Lễ vật được đặt lên đàn tế gồm các mâm cỗ gồm xôi, thịt, cá nướng ( hoặc thịt nướng), cơm canh, các thức bánh trái , hoa quả, trà rượu, trầu cau, nhang đèn, vàng bạc, áo binh, gạo, muối, đường thẻ, hạt nổ và đặt biệt không bao giờ thiếu những tô cháo thánh tượng trưng cho sự ban bố rộng khắp. Phía ngoài gần đường đi luôn đốt một đống củi, ngụ ý để những vong linh qua đường được sưởi ấm. Bên cạnh là một thau nước sạch để các vong linh tự làm sạch trước khi vào dự tế…
           Trong không khí trang nghiêm với dãy cờ ngũ hành bài trí phía trước, kèm với tiếng chiêng trống trầm hùng và lời văn tế bi ai thống thiết…mỗi người đến dự lễ đều dậy lên một niềm xúc động đầy thương cảm đối với vong linh của các đồng loại, đồng bào, tiền nhân không nơi nương tựa, lòng tri ân đối với các tử sĩ qua các đời đã bỏ mình vì nước, và lòng biết ơn chư vị khuất mặt đã phù trì cho làng nước được yên ổn, con dân của làng ở gần cũng như xa xứ được nhiều sức khỏe, thành đạt thịnh vượng, đi đến nơi về đến chốn…
            Tục lệ “ Tảo cô mộ và tế Cô đàn” từ xa xưa đã trở thành một mỹ tục mang đượm tính nhân văn của dân tộc Việt nói chung, và của làng Phú Lễ nói riêng. Không chỉ thể hiện lòng trắc ẩn với muôn vạn kiếp người vốn từng chịu cảnh “Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”, mỹ tục này là biểu hiện sâu xa của nguồn triết lý từ tâm hồn của cả một dân tộc giàu tính nhân đạo, tình yêu thương, lòng biết ơn và ôm trọn cả tính cộng đồng sâu sắc…                                    

Viết vào mùa hạ năm Đinh Dậu, tháng 6 năm 2017
Trương Minh Bách

Chú thích:

(1): Cô đàn còn gọi là miếu âm hồn. Khởi thủy cô đàn của Làng vốn là một đàn thờ được đắp lộ thiên. Cô mộ là mồ mả không có người thân thích chăm sóc.
(2): Thuận Hóa, chủ yếu chỉ vùng Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế ngày nay.
(3): Cồn Bại, tiếng địa phương, phát âm chuẩn là “cồn bãi”. Tuy nhiên với dân làng Phú Lễ thì “ Cồn Bại” đã trở thành danh từ riêng chỉ một nghĩa địa của Làng nằm ngay cạnh bờ sông Bồ.
(4): Chiêm Thành, còn được gọi là Chăm Pa hoặc gọi tắt là Chiêm hay Chăm.
( 5) : Châu Ô về sau đổi làm châu Thuận gần tương đương với tỉnh Quảng Trị, châu Lý (Rí) được đổi thành châu Hóa gần tương đương với tỉnh Thừa Thiên ngày nay, thường gọi chung là xứ  thuận Hóa.
(6) Tương truyền Bàu và một vài con mương cổ trong Làng là vết tích công trình thủy lợi của người Chăm. Cần nói rõ là thời người Chăm còn cư trú trong vùng thì dân cư còn cực kỳ thưa thớt và sự khai thác đất đai rất hạn chế, chủ yếu vẫn là một vùng còn khá hoang vu.
(7) Kỹ thuật làm lúa vụ Chiêm vốn do người Việt tiếp thu từ người Chiêm Thành vốn nổi tiếng với kỹ thật làm Thủy lợi để có thể có nước làm lúa trái mùa.
(8) Hiện Làng còn có miếu thờ Nữ thần Thiên Y A Na hay Bà Thánh Mẫu Chúa Ngọc, người Chiêm Thành ( mà người chiêm gọi là nữ thần Poh Yang Inư Nagar hay Po Ino Nogor). Sắc phong do Triều Nguyễn ban cho Nữ thần Thiên Y A Na còn được Làng cất giữ đến ngày nay.
(9) Có vài dòng họ trong Làng gia phả ghi khuyết họ của vài vị tổ mẫu ở các đời đầu tiên, sự thiếu khuyết này có một phần khá lớn là do các vị đó là người gốc Chăm vốn không có họ. Người phụ nữ Chăm lấy chồng Việt thời đó thường lấy tên Việt để dễ xưng hô, nhưng vẫn thiếu họ.