Về miền thương yêu

(Viết tặng những bạn bè còn ở lại làng: Quang, Tăng Quốc, Văn Quốc…)

Chọn Sài Gòn làm chốn bao dung, mỗi năm, tôi đều dành một khoảng thời gian vào dịp hè để về Huế. Từng khoác ba-lô rong ruổi qua nhiều dặm dài đất nước, chuyến về Huế nào cũng làm tôi háo hức. Bởi nó như những chuyến đi về miền ký ức.

Nơi tôi đặt ba lô để bắt đầu những ngày nghỉ ngơi thú vị là căn nhà nhỏ ở làng Phú Lễ, cạnh sông Bồ. Tôi sẽ bắt đầu những ngày thăm thú láng giềng, bà con nội ngoại, hàn huyên với bạn bè thủa còn cắp sách. Đi dọc đường làng để tìm lại cảm giác ngày đi học, tôi như thấy mình nhỏ lại. Con sông Bồ vẫn hiền hoà, thong thả chuyển mình về hạ lưu, hoà vào phá Tam Giang huyền thoại. Buổi sáng thanh bình hiện ra trên sông với hình ảnh người dân chài buông lưới. Hai bên bờ sông, bóng tre buông mình che chở như bao đời đã che chở làng quê qua nhiều biến thiên, thăng trầm của thiên tai, thời cuộc …

Chọn một buổi chiều thong dong, cùng năm ba đứa bạn, chúng tôi rủ nhau về phá Tam Giang tận hưởng gió trời. Hai bên đường, cánh đồng Quảng Điền đang vào vụ gặt. Những người nông dân cần mẫn, hối hả trước khi chiều muộn dần xuống thấp. Khói đốt đồng ôm quyện lấy cây lá, phảng phất một màu xanh lam dịu dàng. Chúng tôi dừng xe, ngồi bệt xuống những bờ ranh ruộng lúa, ngắm nhìn no nê phong cảnh làng quê yên ả trong trời chiều. Gió đồng hào phóng. Tầm mắt chạm chân trời xa xa…

Quán nhỏ bên bến đò Vĩnh Tu là nơi chúng tôi chọn để thưởng thức những món thuỷ sản chỉ có ở vùng nước lợ. Sóng nước Tam Giang mênh mông trong nắng chiều sắp tắt gợi nên một nỗi buồn xa vắng. Chúng tôi đưa cay ly rượu đế thơm nồng tình bằng hữu với món cá dìa um măng – một đặc sản cực kỳ ngon mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng nước lợ Tam Giang. Từng “chống rét” bằng San Lùng ở Sapa, thấm giọng rượu ngô ở Cao Bằng, hào sảng với Gò Đen – Long An, cao hứng với Xuân Thạnh – Trà Vinh…, nhưng, với tôi, những ly rượu bạn bè ở phá Tam Giang luôn là một niềm xưa cũ nồng nàn hơn cả. Đêm xuống trên phá Tam Giang mới thật là những khoảnh khắc tuyệt diệu vô cùng. Trăng sóng sánh say trên mặt nước bao la, giữa bốn bề lồng lộng gió. Chúng tôi im lặng để nghe hơi thở của đêm, cũng là nghe tiếng sóng lòng trôi chảy về một góc trời nhớ thương nào đó của riêng mỗi người.

Như lệ thường, hè này, tôi lại khoác ba-lô về quê. Những miền đất đã đi qua, những món ăn từng nếm trải, những bức tranh thiên nhiên kỳ thú… là dấu ấn khó quên trong mỗi chuyến lữ hành. Vượt lên trên những dấu ấn đó, hành trình tôi đón đợi nhất mỗi năm vẫn là chuyến đi “về miền thương yêu”. Dù đắm mình ở Bali ‘thiên đường” hay thả hồn trôi theo chiếc gondola ở Venice thơ mộng, vẫn làm sao bằng một nơi chốn để thương nhớ, để quay về? Có phải vì thế mà miền yêu thương ấy – chốn quê nhà – luôn vẫy gọi chúng ta, dù nó luôn trú ngụ trong tim mỗi đứa con xa quê.

Nguyễn Đắc Chiến