Về Phú Lễ ghé thăm Cô Đàn vừa Trùng tu xong

Ghé thăm Cô Đàn của Làng vào một ngày cuối tháng hai âm lịch vừa rồi, lòng thấy mừng và xúc động trước cảnh quan mới ở nơi đây. Hôm nay lại nghe nói Làng vừa nhóm bàn để thống nhất về Lễ Khánh Thành Cô Đàn sau kỳ đại tu vừa rồi vào đúng dịp “ Tảo cô mộ và tế Cô đàn” trong tiết thanh minh sắp đến. Vậy nên vội viết vài hàng tóm tắt để chia sẻ cùng quý bà con đồng hương chưa có dịp về thăm Làng gần đây.

Nói chung qui mô Cô Đàn mới sau đợt đại tu vừa rồi của Làng Phú Lễ rất tôn nghiêm và khang trang, xứng tầm là Nghĩa Đàn của một làng thuộc vào hàng ”đại xã” (1) … Vị trí Cô Đàn Phú Lễ vẫn nằm đúng chỗ đã được phục dựng vào năm 1993, nhưng được mở rộng hơn cả về chiều ngang và chiều sâu, nền cũng được nâng lên cao ráo hơn.

Xin mô tả sơ lượt: phía trước ngay sát đường đi là phần đình tiền (2), tức phần sân lề trước khu Cô đàn, tiếp đến là tam cấp để bước vào khu tiền đình (3) với bức bình phong có hình đắp nổi khá đẹp ở giữa, lại qua dãy bốn trụ biểu là khu hậu đình (4) với bàn soạn để đặt lễ vật mỗi đợt tế mà phía trước mỗi đàn đều có xây hương án. Trong cùng và cũng là nơi quan trọng nhất của cả công trình xây dựng này là miếu thờ hội đồng âm linh. Phần miếu thờ này có mái che rất ấm cúng, đáp ứng được yêu cầu không để thời tiết mưa gió ảnh hưởng đến chốn khói hương linh thiêng, mà vẫn giữ được nguyên vẹn nét truyền thống với khu đàn tế lộ thiên ở ngay trước.
Sài Gòn, khuya ngày 15 tháng 4 năm 2018
Trương Minh Bách

 

Chú thích:

(1) Đại xã ( 大社)   : Thời quân chủ, Phú Lễ vốn là một xã được coi là khá lớn với một hệ thống chính quyền tự quản do dân cử theo qui định chung của nhà nước.

(2) Đình tiền ( 庭前) : là khu nền phía trước công trình. Chữ đình ở đây có nghĩa là sân trước, trùng âm nhưng không cùng nghĩa với chữ đình trong đình() làng.

(3) Tiền đình ( 前庭) : là khu sân trước.

(4) Hậu đình ( 後庭) : Là khu sân ngay tiếp sau của tiền đình (2), nơi đặt các đàn đựng lễ vật mỗi dịp có lễ tế.